Bài học bất ngờ của ông bố đằng sau đồng tiền kẹp trong sách

Ông bố đưa cho cậu con trai một cuốn sách, bên trong có một đồng tiền và bài học phía sau còn sâu xa hơn thế.

Anirudh Anupama, tiến sĩ của Viện Công nghệ Ấn Độ, có sở thích viết lách về chủ đề nuôi dạy con cái. Bài viết dưới đây của anh được đăng tải trên diễn đàn Fatherly.

Khi tôi lên 10, bố đưa cho tôi đọc cuốn "Gulliver's Travels" (Gulliver du ký). Ông nói: Cứ đọc đến cuối, con sẽ được thưởng. Tôi nghĩ chắc ông đang nói về những bài học bên trong cuốn sách.

Tôi chậm rãi đọc, không quá vội vàng lật đến trang cuối. Nhưng khi truyện chỉ còn 10 trang, tôi tìm thấy một đồng 100 rupi (khoảng 1,5 đôla). Tôi gần như sững sờ. Với một cậu bé như tôi, đó là một món tiền rất rất lớn.

Tôi không biết phải làm gì với nó. Hơn thế, tôi đã bị cuốn vào mạch truyện và thực sự muốn đọc tiếp để xem điều gì sẽ xảy ra với Gulliver, người hùng, nhân vật chính của cuốn truyện. Tôi đặt đồng 100 rupi sang một bên rồi tiếp tục đọc.

Khi đã đọc truyện xong, tôi trả cuốn sách cho bố và báo với ông rằng mình tìm thấy tiền kẹp trong sách. Tôi nói rằng mình không biết làm gì với số tiền đó, rằng vì bố là người lớn nên có thể bố sẽ giúp được tôi.





Ảnh: Bhmpics.


Trên thực tế, bố chỉ muốn kiểm tra cách tôi ứng xử khi bắt được tiền rơi. Và ông tỏ ra rất hài lòng khi nhận thấy tôi không gian dối. Ông ngồi xuống bên cạnh và nói với tôi: "Nghe này Beta, người ta cần phải mau chóng trả lại những thứ gì không thuộc về mình như con đã làm vậy. Điều đó sẽ giữ cho tâm hồn của con trong sạch, mọi nghiệp chướng của con cũng được rửa sạch. Con sẽ được tưởng thưởng".

"Giải thưởng là gì không quan trọng, miễn là con có được một bài học tốt đẹp vào cuối ngày trước khi lên giường đi ngủ. Đừng bao giờ nói dối hoặc gian lận, bất kể là trong tình huống nào. Làm được thế, con sẽ thành công. Còn bây giờ thì hãy ra ngoài mua cho mình một con diều đi!".

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ câu chuyện ấy bởi nó xảy ra chỉ ít lâu trước khi bố tôi qua đời. Đó vẫn là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của tôi về ông. Tôi đã gắng hết mình tuân theo lời dạy này của ông. Mỗi ngày, nó đã giúp tôi có cảm giác như mình được rửa tội, được thanh thản trong tâm hồn
.

Thú tiêu khiển khiến các tỷ phú giàu có

Người giàu không nhất thiết phải có bằng cấp đàng hoàng, nhưng đều đánh giá cao việc tự học qua đọc sách hằng ngày.

Steve Siebold là tác giả cuốn "Người giàu suy nghĩ như thế nào" và là một triệu phú tự thân nổi tiếng tại Mỹ. Khi còn là cậu sinh viên nghèo rớt, Steve Siebold đã nhen nhóm mong muốn trở thành người giàu sau cuộc phỏng vấn với một triệu phú.
Kể từ đó, suốt hơn 3 thập kỷ qua, Siebold vẫn tiếp tục phỏng vấn hơn 1.200 người thuộc top giàu nhất thế giới. Và ông nhận ra thú giải trí chung của họ là tự học bằng việc đọc sách.
Business Insider trích lời của Siebold cho biết: "Hãy bước vào ngôi nhà của một người giàu có, và một trong những thứ đầu tiên bạn thấy sẽ là thư viện sách khổng lồ mà họ dùng để tự dạy mình cách trở nên thành công hơn. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu lại đọc tiểu thuyết, báo lá cải và các tạp chí giải trí".



Bill Gates nổi tiếng là người thích đọc sách. Ảnh: Gates Notes
Điều này chứng tỏ, nhu cầu của người giàu là giáo dục, chứ không phải là giải trí. Hãy lấy Warren Buffett làm ví dụ. Buffett từng cho biết ông dành khoảng 80% thời gian hằng ngày để đọc sách.
Bill Gates cũng có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Nhà đồng sáng lập Microsoft nhất định phải đọc thứ gì đó mỗi đêm, từ sách về những nhân vật truyền cảm hứng (Warren Buffett, Franklin D. Roosevelt), quá trình phát triển của lịch sử (phát minh vắcxin và bom nguyên tử) cho tới những ấn phẩm triết học sâu sắc và trí tuệ (The Economist, Scientific American).
Theo Thomas Corley - tác giả cuốn "Rich Habits: The Daily Success Habits Of Wealthy Individuals" (Những thói quen để thành công của giới giàu có), 67% người giàu dành ra một tiếng hoặc ít hơn mỗi ngày để xem TV. Trong khi, tỷ lệ này với người nghèo chỉ là 23%. Ngoài ra, chỉ 6% người giàu dành thời gian xem các chương trình thực tế; trong khi đây lại là hoạt động ưa thích của những người nghèo (78%).
Người giàu không nhất thiết phải có bằng cấp đàng hoàng. Thậm chí nhiều người còn chẳng được ăn học đầy đủ. Tuy nhiên, họ đều đánh giá cao vai trò của việc học sau khi tốt nghiệp, Siebold giải thích.
"Nhiều người tin rằng những tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ là con đường dẫn tới sự giàu có. Họ bị mắc kẹt với suy nghĩ đó và chẳng thể vươn tới tầng ý thức cao hơn. Người giàu có không quan tâm tới cách thức thực hiện, mà là kết quả sau cùng", ông viết
.